Ngày 29/10 vừa qua, tổ chức Climate Central (Tổ chức độc lập nghiên cứu về biến đổi khí hậu) đã công bố 1 nghiên cứu về sự ảnh hưởng của mực nước biển dâng tới các quốc gia ven biển. Trong đó Việt Nam được xếp thứ tư về mức độ chịu ảnh hưởng từ mực nước biển dâng với 31 triệu người hiện đang sinh sống ở nơi có độ cao thấp hơn trung bình các trận lụt được dự báo vào năm 2050 (tăng 22 triệu người so với những dự báo trước đó sử dụng dữ liệu địa hình SRTM). [3]

PGS Huỳnh Thị Lan Hương, Viện phó Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng nghiên cứu của Climate Central là thông điệp cần quan tâm nhưng chưa đủ cơ sở khoa học do sử dụng số liệu sai và “dựa trên nhiều giả định cực đoan cùng lúc”. [1]

Bà Hương giải thích, trong nghiên cứu của mình, Climate Central sử dụng số liệu về độ cao địa hình của Mỹ sau đó hiệu chỉnh và áp dụng cho các khu vực khác trên toàn cầu. “Nghiên cứu trên đã không sử dụng đúng số liệu về độ cao thực tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nên kết quả đưa ra không chính xác”, PGS Huỳnh Thị Lan Hương nói. Hơn nữa, Climate Central sử dụng giả định nước biển dâng kết hợp với giả định triều cường để xây dựng bản đồ nguy cơ ngập, kết quả đưa ra không phân biệt ngập lụt do nước biển dâng vì biến đổi khí hậu (ngập vĩnh viễn) và ngập lụt do hiệu ứng thủy triều (ngập tạm thời). [1]

PGS Huỳnh Thị Lan Hương cho biết, năm 2016 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kịch bản về tác động của biến đối khí hậu và nước biển dâng trong đó cho biết, “dự báo đến năm 2100, nước biển dâng khoảng một mét (100 cm) sẽ khiến gần 18% diện tích TP HCM, 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập”. [1]

Bà Hương khẳng định, số liệu mà Climate Central công bố “không thể tốt hơn số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường” do cơ quan chuyên môn của Việt Nam xây dựng dựa trên quy chuẩn mốc quốc gia về bề mặt khu vực. [1]

Cũng đưa ra bình luận dự báo này của Climate Central, GS-TS Lê Huy Bá – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Trường đại học Công nghiệp TPHCM cho hay: “Những dự báo tình trạng ngập chỉ là phác thảo chứ không phải chính xác hoàn toàn. Tuy nhiên, nước ta đang nằm trong top 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là miền Nam. Những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu là có thật và đang hiện hữu từng ngày”. [2]

GS-TS Lê Huy Bá cũng cho biết thêm, hiện chúng ta chỉ có thể thích nghi và chung sống chứ không thể chống lại sự thay đổi của thiên nhiên, Khi nước biển dâng, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải… đều phải thay đổi. Việt Nam chúng ta thậm chí có thể mất đi vựa lúa lớn nhất cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long. [2]

Theo một diễn biến mới đây vào ngày 04/11/2019, Climate Central cho hay: “Chúng tôi không nói phần lớn TP HCM biến mất vào 2050”.[4]

Theo đó, Giám đốc điều hành của Climate Central là Tiến sĩ Benjamin Strauss cho biết báo cáo mới về tác động của mức biển dâng với TP HCM không có nhận định nào về sự “biến mất”. Ông cho hay: “Chúng tôi không đưa ra nhận định nào về “sự biến mất” của bất cứ nơi nào, trong đó có Việt Nam. Đây là cụm từ theo sự diễn giải của New York Times về nghiên cứu của Climate Central. Chúng tôi coi nghiên cứu này là bước cải thiện lớn trong hiểu biết của mình về mối đe doạ trên toàn cầu do mực nước biển dâng. Tuy nhiên, chúng tôi không coi nó là kết luận cuối cùng.” [4]

Ông cũng đưa ra ý kiến tương tự như PGS Huỳnh Thị Lan Hương khi cho rằng nghiên cứu của Climate Central dựa trên mô hình cải tiến toàn cầu về độ cao các vùng đất ven biển, sẽ không thể cho ra kết quả chính xác như việc sử dụng các dữ liệu đo đạc độ cao trực tiếp của Việt Nam. [4]

Tiến sĩ Benjamin Strauss

Cùng với các ý kiến làm rõ bài nghiên cứu của Climate Central được đăng trên tờ Natural Communications, Tiến sĩ Benjamin Strauss cũng đưa ra lời khuyên cho Việt Nam để có thể hạn chế và thích nghi với mực nước biển dâng. Theo đó, ông cho rằng Việt Nam cần thu thập dữ liệu tốt hơn về độ cao của đất đối với các vùng đất thấp ven biển trên khắp cả nước (đặc biệt là Đồng bằng sông Mekong và các khu vực quanh Hà Nội) và chia sẻ dữ liệu này một cách rộng rãi với cộng đồng nghiên cứu khoa học.

Ông cũng đưa ra gợi ý về chiến lược ứng phó với nước biển dâng theo 3 bước: Phòng vệ, thích nghi, rút lui. Trong đó đất có thể được bảo vệ khỏi nước biển dâng bằng việc bảo vệ hoặc hồi phục các vùng đầm lầy ven bờ, như là rừng đước, hoặc xây các công trình bảo vệ nhân tạo. Các toà nhà sử dụng cột nhà sàn có thể đứng vững trong lũ. Cuối cùng, người dân có thể rời đến khu đất cao hơn. [4]

Tài liệu tham khảo.
[1]. Báo điện tử Vnexpress (vnexpress.net)
[2]. Báo điện tử Lao Động (laodong.vn)
[3]. Nghiên cứu của tổ chức Climate Central (https://www.climatecentral.org)
[4]. Báo điện tử Vnexpress (vnexpress.net)

Người tổng hợp (tác giả): QuangTV – Trung tâm Giải pháp Công ty VidaGIS

Hiện nay công ty VidaGIS đang cung cấp sản phẩm mô hình số độ cao bề mặt và địa hình (DSM và DTM) với độ chính xác đến 1m và 5m. Xem thêm tại đây.

Nếu cần thêm thông tin về sản phẩm, dịch vụ mà bạn quan tâm, vui lòng xem chi tiết tại đây  hoặc liên hệ với chúng tôi qua email: info@vidagis.com.